Người phụ nữ bỏ việc ngân hàng, bán nhà để sản xuất loại than đặc biệt

Từ bỏ vị trí giám đốc chi nhánh ngân hàng Đông Á ở TP HCM sau 16 năm gắn bó, bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng bán nhà để mở công ty sản xuất than gáo dừa, thứ phụ phẩm nông nghiệp chưa được tận dụng hết giá trị ở quê hương Bình Phước.

Than làm từ gáo dừa của công ty bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng được xuất khẩu tới nhiều quốc gia, nhất là thị trường Trung Đông.

Cao Nguyên Bình Phước là “đứa con tinh thần” của bà Cẩm Hằng. Công ty này chuyên sản xuất than gáo dừa dạng viên, dạng que và than gáo dừa BBQ sang thị trường Palestine, Jordan,Israel, Arab Saudi, Iraq Đức, Australia… Nhưng chặng đường đến thành công của người phụ nữ này không trải hoa hồng, khi bà vừa phải từ bỏ công việc quản lý tại ngân hàng sau 16 năm gắn bó, vừa phải bán tới hai căn nhà lo tài chính trong lần thứ hai xây dựng lại công ty vì những đổ vỡ với đối tác. 

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, Giám đốc Công ty Cao Nguyên Bình Phước. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, Giám đốc Công ty Cao Nguyên Bình Phước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sếp ngân hàng làm lại ở tuổi 40

– Bỏ công việc là giám đốc ngân hàng tại TP HCM để khởi nghiệp ở tuổi 40 ở một ngành không phải là “hot” như trước, đó có phải là quyết định hơi liều không? 

– Đấy là cơ duyên. Khi đang làm ngân hàng, tôi phải xử lý một hiểu nhầm do bất đồng ngôn ngữ liên quan đến người nước ngoài mua than tại Việt Nam. Công việc ấy buộc tôi phải tìm hiểu thông tin liên quan đến ngành và bất ngờ khi nhu cầu của than gáo dừa trên thế giới thực ra lại rất lớn. Tính riêng thị trường Dubai, mỗi tháng nơi đây cần đến 200 container loại vật liệu này.

Không những thế, than gáo dừa mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng khi tận dụng được nguồn phế thải nông nghiệp là gáo dừa khô, không cần khai thác thêm tài nguyên thiên nhiên. Ở quê Bình Phước của tôi, gáo dừa rất sẵn có, giá trị lại thấp. Trong khi đó, loại than làm từ gáo dừa sinh nhiệt lượng cao, không toả khói do đã được carbon hoá gần như hoàn toàn, do đó phù hợp sử dụng trong môi trường kín như trong nhà mà không gây độc, rất được ưa chuộng ở các thị trường quốc tế. 

Năng lượng sạch đang là xu thế của thế giới và Việt Nam được đánh giá cao về khả năng sản xuất than gáo dừa. Với vị thế này của Việt Nam, nếu làm tốt sẽ rất nhanh tìm được thị trường đầu ra. Vốn có “máu” kinh doanh, tôi nhìn thấy cơ hội và quyết định thử mở xưởng nhỏ vào năm 2014.

– Nghe nói chị phải bán cả nhà để làm than?

– Không phải bán một mà tận hai. Lúc đầu tôi cùng người bạn thân mở xưởng sản xuất nhỏ, với 30 công nhân để sản xuất khoảng 30 tấn/tháng, rồi đưa hàng đi tìm đối tác cùng góp vốn. Nhưng việc hợp tác xây nhà xưởng ở Bình Dương đổ bể, tôi phải bán nhà để làm lại từ đầu. Sau khoảng 4 năm, than gáo dừa của cơ sở chúng tôi nhận được đơn hàng ngày càng nhiều. Lúc đó, công việc ở cả nhà máy lẫn ngân hàng đều quá bận rộn, tôi thấy mình đuối sức nên quyết định bỏ việc ở ngân hàng, chuyên tâm làm than dừa. 

Được một thời gian, nhận thấy cần phải có thêm dây chuyền để tăng lượng sản xuất, thế là tôi bán nốt căn nhà thứ hai. Nhờ quyết định để có tài chính vào năm 2019, tháng 1/2020, cơ sở sản xuất chính thức trở thành công ty, cho ra thị trường 200 tấn than gáo dừa thành phẩm, đủ dạng viên, dạng que và than gáo dừa BBQ… mỗi tháng.

Một sản phẩm than của Cao Nguyên Bình Phước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vượt qua “bão” Covid-19 và đang đón những đơn hàng mới

– Sản xuất ổn định chưa được một tháng thì bão Covid-19 ập đến. Điều đó hẳn gây nhiều khó khăn cho công ty của chị?

– Mọi việc đến đột ngột và thực sự khó khăn. Chúng tôi tập trung sản xuất để xuất khẩu nên bị ảnh hưởng nặng nề từ hoạt động logistics. Đặc biệt là việc hàng ứ đọng tại cảng nhập khẩu gây ra tình trạng khan hiếm container, cước tàu biển tăng mất kiểm soát làm tăng giá tiêu thụ sản phẩm nên ảnh hưởng doanh thu.

Thị trường mà chúng tôi xuất khẩu nhiều nhất là Trung Đông. Khi dịch cao điểm, cước tàu biển từ Việt Nam tới nhóm thị trường này tăng 7-9 lần, nhưng ngay cả khi chấp nhận giá cao cũng khó tìm tàu trống để đưa hàng.

Đây là còn chưa kể đến các công đoạn kiểm soát cho việc vận chuyển nội địa như tài xế phải test nhanh, thủ tục vận chuyển… làm đình trệ việc chở nguyên liệu đầu vào, công ra cảng, chậm lịch giao bao bì… khiến cơ hội cạnh tranh với các sản phẩm tại thị trường khác giảm mạnh. Đến tận bây giờ, khi dịch ở Việt Nam được cơ bản kiểm soát, hoạt động sản xuất và đặc biệt là xuất khẩu của công ty vẫn chưa thể trở lại guồng quay ban đầu.

Bà Cẩm Hằng cùng công nhân trong nhà máy. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Cẩm Hằng cùng công nhân trong nhà máy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

– Giá than ở nhiều quốc gia đang tăng rất cao. Là một công ty sản xuất mặt hàng này, Cao Nguyên Bình Phước có được hưởng lợi từ biến động của thị trường thế giới hay không?

– Việc hưởng lợi theo xu hướng đó là tất yếu. Khách hàng mới ở nước ngoài đặt hàng của chúng tôi nhiều hơn vì khi nguồn cung than toàn cầu suy giảm, không nhiều lựa chọn với đối tác cung ứng. Thêm vào đó, lượng khách hàng truyền thống cũng duy trì sức mua. Điều này giảm áp lực bán hàng cho doanh nghiệp, nhưng cũng đặt ra yêu cầu quản trị sản xuất nhằm giảm chi phí giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, bởi mọi thứ đều tăng giá chứ không riêng gì than.

– Vừa là lãnh đạo một doanh nghiệp, vừa có gia đình để chăm lo, bà cân bằng cuộc sống như thế nào?

– Tôi nghĩ việc cân bằng cuộc sống hay không là do định nghĩa riêng của mỗi gia đình và mỗi cá nhân đó. Với tôi, cân bằng là mình làm tốt vai trò của người lãnh đạo tại công ty, vai trò người mẹ, người vợ ở gia đình, tránh để chồng chéo vai trò và gây áp lực cho chính mình và người xung quanh. Vai trò của tôi là sắp xếp cho công ty và gia đình vận hành trôi chảy và hiệu quả, sao cho mỗi thành viên đều vui và hạnh phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *