Biến gáo dừa thành sản phẩm xuất ngoại

Không chỉ được biết đến là nguyên liệu đầu vào để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, gáo dừa còn là nguồn sản xuất than hoạt tính xuất khẩu khắp thế giới.

Than hoạt tính bằng gáo dừa là một trong những loại than tốt nhất hiện nay và có tính ứng dụng cao. Ảnh: Trần Trung.

Dấn thân vào ngành làm than từ gáo dừa

Trong xã hội hiện đại ngày nay, thuật ngữ than hoạt tính đã rất phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong đời sống của người dân vì những tính năng, công dụng hữu ích của nó. Theo đó, than hoạt tính là thành phần không thể thiếu trong công nghệ xử lý nước tinh khiết, chúng còn được bổ sung trong mỹ phẩm, sữa rửa mặt, dầu tắm, mặt nạ dưỡng da để khử trùng, hút bụi bẩn, độc tố từ lỗ chân lông. Kem đánh răng cũng được thêm vào than hoạt tính để hấp thụ các mảng bám, vi khuẩn. Khẩu trang y tế và mặt nạ chống độc cũng có than hoạt tính trong đó.

Thành phần chủ yếu than hoạt tính là carbon được nung nóng và hoạt hóa ở nhiệt độ rất cao trong môi trường yếm khí. Những nguyên liệu thường được sử dụng để làm than hoạt tính có thể là: vỏ trấu, gạo, gáo dừa, tre, gỗ,.. Tuy nhiên, gáo dừa là một nguyên liệu thô tốt nhất để sản xuất than hoạt tính bởi vì gáo dừa có độ cứng và chứa hàm lượng cácbon cao.

“Bến Tre nổi tiếng là xứ dừa, mặc dù sinh ra và lớn lên tại Bình Phước, tôi biết than hoạt tính từ gáo dừa được nhiều nước trên thế giới sản xuất và xem nó như  “vàng đen”.  Trong khi đó, nguồn liệu gáo dừa ở Việt Nam rất dồi dào. Vậy tại sao mình không biến nó thành ngoại tệ, giúp nông dân của mình có cuộc sống tốt hơn từ những vườn dừa gia đình?”, mở đầu câu chuyện, chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng – Giám đốc Công ty Cao Nguyên Bình Phước chia sẻ về cái duyên đến với nghề làm than hoạt tính.

Cơ sở sản xuất nguyên liệu thô có trụ sở được đặt tại tỉnh Bến Tre, vùng nguyên liệu chủ yếu của công ty. Ảnh: Trần Trung. 

Theo chị Hằng, trước khi trở thành một trong những nữ doanh nhân đầu tiên đưa than hoạt tính Việt Nam ra thị trường thế giới, những năm trước, chị làm trong lĩnh vực ngân hàng. Sau nhiều năm phấn đấu, chị đảm nhận vị trí Phó Giám đốc một Chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM. Tuy nhiên sau đó, chị lại bước chân vào lĩnh vực không phải sở trường là than hoạt tính. Với nghề mới, chị vấp phải rất nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh và niềm đam mê, chị quyết tâm không từ bỏ. Hiện chị sở hữu một công ty chuyên sản xuất than hoạt tính với quy mô nhà xưởng trên 11.000m2, mỗi tháng xuất đi thị trường thế giới gần 200 tấn than thành phẩm, trong đó chủ yếu là các nước Trung Đông.

Bên trong nhà xưởng đóng gói than thành phẩm tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

“Năm 2014, tôi bắt đầu làm than gáo dừa, khởi nghiệp từ việc thuê mặt bằng sản xuất với gần 30 công nhân và công suất đạt chừng 30 tấn/tháng. Khi bước vào, tôi thấy đây là ngành kinh doanh mang nhiều lợi ích cho cộng đồng. Nó tận dụng được nguồn phế thải nông nghiệp là gáo dừa khô nên không cần khai thác tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, năng lượng sạch đang là xu thế của thế giới và Việt Nam được đánh giá cao về khả năng sản xuất than gáo dừa. Với vị thế này của Việt Nam, nếu làm tốt sẽ rất nhanh tìm được thị trường đầu ra. Vốn có “máu” kinh doanh, tôi nhìn thấy cơ hội và quyết định khởi nghiệp ngành này từ đây”

Chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng bên sản phẩm chị dày công vun đắp, xây dựng. Ảnh: Trần Trung.

Giai đoạn tháng 5/2018, mặt hàng than gáo dừa của chị Hằng sản xuất bắt đầu nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng và đơn hàng ngày càng nhiều. Việc quản lý doanh nghiệp sản xuất đòi hỏi sự sát sao và kịp thời để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Trong khi đó, công việc quản lý ngân hàng cũng cần tập trung và xử lý kịp thời để đảm bảo vừa hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, chỉ tiêu về an toàn trong hoạt động tín dụng, chỉ tiêu về xử lý nợ xấu… “Đứng trước lựa chọn, tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ ngân hàng để dành hết sức lực cho ngành kinh doanh mang nhiều lợi ích cho cộng đồng này”, chị Hằng chia sẻ.

Vượt qua “bão” Covid-19 , mở rộng thị trường

Theo chị Hằng, công việc của công ty đang phát triển thuận lợi, năm 2020 dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, khiến công việc kinh doanh bắt đầu gặp trở ngại. Bởi là doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu, nên hoạt động logistic bị đứt gãy khiến hàng ứ đọng tại cảng, lại thêm khan hiếm container, cước tàu biển tăng mất kiểm soát làm tăng giá tiêu thụ sản phẩm khiến ảnh hưởng đến doanh thu. Ngoài ra, các công đoạn kiểm soát cho việc vận chuyển nội địa như tài xế phải test nhanh, thủ tục vận chuyển… làm đình trệ việc chở nguyên liệu đầu vào, công ra cảng, chậm lịch giao bao bì, cơ hội cạnh tranh với các sản phẩm tại thị trường khác giảm mạnh.  Một lần nữa, bản lĩnh và bề dày kiến thức trong quá trình làm việc trong lĩnh vực ngân hàng lại được đánh thức. Chị nhanh chóng biến nguy thành cơ và chèo lái công ty rẽ sang một hướng phát triển mới, bền vững hơn, thành công hơn.

Dây truyền sản xuất than của công ty được đầu tư công nghệ cùng trang thiết bị hiện đại đủ sức cạnh tranh đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, chị Hằng quyết định đầu tư, nhập khẩu công nghệ “Lò than hóa bằng phương pháp nhiệt phân cách ly” của Đức để sản xuất than gáo dừa chất lượng cao, sản xuất than sinh học ép viên thân thiện với môi trường.

Ưu điểm vượt trội của công nghệ là tỷ lệ cácbon hóa cao; hiệu suất thu hồi sản phẩm cao; thu hồi nhiệt trong quá trình nhiệt phân tái sử dụng để tiếp tục cung cấp nhiệt cho quá trình nhiệt phân, tiết kiệm 70% nhiên liệu tiêu thụ và tái chế 95% lượng khí thải, kết hợp hệ thống lọc để chiết xuất ra hắc-ín và giấm gỗ có lẫn trong khói qua quá trình ngưng tụ khói thải… Việc ứng dụng công nghệ lò than hóa bằng phương pháp nhiệt phân cách ly giúp rút ngắn quá trình sản xuất, giảm được các chi phí nhân công, sản phẩm có chất lượng vượt trội so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, góp phần tăng giá trị gián tiếp rất lớn cho ngành chế biến các sản phẩm từ dừa, tạo ra giá trị tăng thêm và đóng góp quan trọng vào chuỗi giá trị cây dừa.

Sản phẩm của công ty được nhiều đối tác đến từ thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ đến tìm hiểu và ký hợp đồng. Ảnh: Trần Trung.

Mặc khác, với kiến thức về kinh tế, tài chính, đặc biệt, từng làm việc với nhiều khách hàng đa lĩnh vực, cùng vốn ngoại ngữ tốt, chị nhanh chóng kết nối để tìm kiếm thị trường mới. Nhờ hiểu biết về các nghiệp vụ thanh toán quốc tế với những lợi ích và rủi ro, đã giúp chị đàm phán tốt với đối tác và ký kết thêm nhiều hợp đồng mới từ thị trường giàu tiềm năng như Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu… tránh lệ thuộc vào các nước Trung Đông như hiện nay.

Sản phẩm công ty vượt bão Covid-19 để xuất. Ảnh: Trần Trung.

“Hiện tình hình dịch bắt đầu được kiểm soát, nhiều tỉnh thành đang trở về trạng thái bình thường mới, chúng tôi đang bắt đầu tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng cho các đối tác, nhờ dây chuyền sản xuất mới, công suất nhà máy lên gấp đôi, đáp ứng 12-15 container /tháng. Hiện tại, sản lượng xuất khẩu chiếm 99%, nhưng thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh kênh phân phối nội địa, để người Việt có thể được sử dụng than Việt với chất lượng cao” chị Hằng tiết lộ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *